Nấm âm đạo candida là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ với biểu hiện là ngứa khó chịu khiến người bệnh gãi nhiều làm trầy xước, lan ra cả tầng sinh môn và bẹn. Bệnh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống, thậm chí là có thể gây ra nhiều bệnh lý khác kèm theo. Như thế nào để điều trị cũng như phòng ngừa bệnh nấm âm đạo candida hãy cùng mua thuốc( Mua thuốc.net) tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1 Bệnh nấm âm đạo Candida là gì?

Nấm âm đạo Candida là tình trạng phát triển quá mức nấm Candida albicans. Sự phát triển quá mức này gây ra kích ứng, viêm, ngứa, tiết dịch và đau rát. Thực tế cho thấy, có đến 75% phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men ít nhất 1 lần trong đời.
Trong môi trường âm đạo khỏe mạnh và cân bằng thì nấm men Candida chỉ là loại nấm thông thường, không gây bệnh. Nhưng khi môi trường âm đạo bị mất cân bằng độ pH, lớp bảo vệ bị phá vỡ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển, trong đó có nấm candida gây viêm âm đạo.
Điều trị viêm âm đạo do nấm khá dễ dàng và nhanh chóng, tuy nhiên nó lại rất dễ tái phát nhiều lần nếu không vệ sinh đúng cách.
Viêm âm đạo do nấm gây ngứa ngáy và tiết dịch có mùi hôi, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý lý cũng như sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Tình trạng này kéo dài và không điều trị đúng cách còn có thể dẫn đến các bệnh lý khác như nhiễm khuẩn huyết, suy giảm miễn dịch, thậm chí là còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản do hệ sinh dục nữ là một ống liên tục từ âm hộ đến âm đạo, tử cung, cổ tử cung và ống dẫn trứng.
2 Triệu chứng Nhiễm nấm Candida như thế nào?
Với cơ địa khác nhau cũng như mức đô nhiễm nấm khác nhau sẽ có mức độ triệu chứng khác nhau. Những triệu chứng điển hình nhất của nhiễm nấm Candida đường sinh dục bao gồm:

2.1 Ở nữ giới
Ngứa, kích ứng, sưng và đỏ ở âm đạo. Triệu chứng ngứa âm đạo là thường gặp nhất và làm người bệnh vô cùng khó chịu. Nhiều người không chịu được gãi vùng kín, làm xây xước và gây bội nhiễm tại chỗ.
Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục. Trường hợp nặng có thể gây đỏ, phù nề âm hộ và môi nhỏ, môi lớn, đôi khi lan ra cả đùi, bẹn.
Ra khí hư có mùi hôi, có màu trắng đục như váng sữa. Ở nhiều chị em còn có thể kèm theo tình trạng khó tiểu, tiểu rắt và đau khi đi tiểu.
Khó thở và khó nuốt khi nhiễm nấm họ Candida trong miệng hoặc họng
2.2 Ở nam giới
Đàn ông khi quan hệ tình dục với phụ nữ bị bệnh cũng có thể bị viêm quy đầu, bao quy đầu gây đỏ, ngứa, cảm giác bỏng, rát và có chất nhày trắng. Bệnh thường xảy ra vài
phút hoặc vài giờ sau khi giao hợp và thường khỏi sau khi rửa sạch. Với những anh em bị mắc nấm candida mãn tính thì có các triệu chứng sau:
Ngứa, kích ứng, sưng và đỏ ở dương vật và vùng bẹn
Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục hoặc khi tiểu tiện
Ra mủ hoặc phát ban ở vùng bẹn
3 Nguyên nhân nhiễm nấm âm đạo Candida?
Như đã nói ở trên thì nấm Candida albicans là tác nhân phổ biến nhất gây viêm nhiễm vùng âm đạo. Nhiễm trùng nấm men gây ra bởi các loại nấm candida khác có thể khó điều trị hơn, cần liệu pháp chuyên sâu hơn.
Nguyên nhân gây nhiễm nấm candida vùng âm đạo phải kể đến như:
Sự thay đổi của hormone: khi mang thai, cho con bú hay thời kỳ mãn kinh (hoặc dùng thuốc tránh thai) có thể làm thay đổi sự cân bằng trong âm đạo, khiến cho nấm phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Người bị bệnh tiểu đường: tình trạng đường trong máu không được kiểm soát tốt sẽ làm gia tăng lượng đường trong màng nhầy (lớp lót ẩm) của âm tạo, tạo môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển.
Thuốc kháng sinh: một số loại thuốc có thể tiêu diệt nhiều vi khuẩn có lợi sống trong âm đạo, gây mất cân bằng lành mạnh của vi khuẩn và nấm men.
Thụt rửa và sử dụng thuốc xịt âm đạo: việc sử dụng các sản phẩm này có thể làm thay đổi sự cân bằng trong môi trường âm đạo.
Hệ miễn dịch suy yếu: nếu bạn dương tính với HIV hoặc bị rối loạn hệ thống miễn dịch khác cũng là điều kiện cho nấm âm đạo phát triển mất kiểm soát.
Quan hệ tình dục không an toàn: nấm âm đạo không được coi là bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục nhưng nó vẫn có thể truyền từ người này qua người khác thông qua việc quan hệ tình dục. Một số nghiên cứu còn cho thấy, nhiễm nấm có thể liên quan hành động quan hệ tình dục bằng miệng.
Thói quen vệ sinh vùng kín không đúng cách dẫn tới nhiễm trùng, pH âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho nấm phát triển quá mức và gây bệnh.
Thói quen mặc quần áo chật, đặc biệt là đồ lót ẩm ướt, không thấm mồ hôi, không thay đồ lót thường xuyên,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng, không đạt chuẩn.
4 Điều trị nấm âm đạo Candida như thế nào?
Điều trị nấm Candida âm đạo phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như tần suất nhiễm của người bệnh.
Với bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, các đợt không thường xuyên
Bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng kem chống nấm không kê đơn, thuốc mỡ hoặc thuốc đạn (chứa miconazole hoặc clotrimazole) để trị nhiễm trùng nấm men. Người bệnh cần dùng thuốc trong vòng 1- 7 ngày và bác sĩ có thể kê đơn thêm thuốc uống đơn liều với fluconazole (thuốc chống nấm).
Trường hợp có thai thì chỉ nên dùng kem bôi hoặc thuốc đạn, tránh dùng fluconazole đường uống.
Trường hợp kết quả không tốt hoặc tái nhiễm nhiều lần, cần tái khám ngay
Nếu các triệu chứng bệnh nặng, hoặc thường xuyên bị nhiễm nấm thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh:
Điều trị dài ngày: bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm dùng hàng ngày trong tối đa 2 tuần, sau đó sẽ là mỗi tuần 1 lần, kéo dài trong 6 tháng.
Thuốc uống đa liều: bác sĩ sẽ kê toa 2 hoặc 3 liều thuốc chống nấm đường uống thay vì bôi (phương pháp này không khuyến khích cho phụ nữ có thai).
Liệu pháp kháng Azole: thuốc dạng viên nang đặt vào âm đạo của bạn. Thuốc này nếu dùng bằng đường uống có thể gây tử vong, ngoài ra nó chỉ được sử dụng trong điều trị nấm candida kháng với các thuốc chống nấm thông thường.
5 Cách phòng ngừa viêm nhiễm, nấm âm đạo Candida

Để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, nấm candida vùng âm đạo, bạn nên chú ý một số điều dưới đây:
Sử dụng đồ lót có đáy quần bằng cotton, không mặc đồ quá chật
Tránh thụt rửa âm đạo vì có thể loại bỏ một số loại vi khuẩn có lợi
Chọn sản phẩm tắm rửa lành tính, an toàn
Dùng băng vệ sinh đạt tiêu chuẩn chất lượng
Không tắm nước quá nóng
Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như trường hợp cảm cúm hoặc nhiễm virus
Không mặc quần áo ướt trong thời gian dài
Đảm bảo lượng đường trong máu ở mức cho phép nếu bạn bị tiểu đường
Vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ, khô thoáng
Trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần thì có thể bạn đang bị đái tháo đường, hoặc dùng kháng sinh quá nhiều,… dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch.